Lượt xem: 745

Hướng đi hiệu quả của nhà vườn Cù Lao Dung trong mùa hạn mặn

Trong nhiều năm qua, khi mà cây mía đã không còn “ngọt” với nông dân xứ Cù Lao Dung thì nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất đã phát triển nhanh chóng. Những mô hình chuyển đổi sản xuất từ cây mía đã chứng tỏ được sự vượt trội khi tận dụng các yếu tố của khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất, đảm bảo được nguồn lợi nhuận cho nông hộ và tránh sức tác động của tình trạng hạn, mặn trong những tháng mùa khô.

    Niên vụ 2019-2020 khi mà đa số người trồng mía xứ Cù Lao Dung tiếp tục “mất ăn mất ngủ” vì giá mía giảm, cộng với tình trạng mặn gay gắt đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và chất lượng của cây thì tại xã An Thạnh Tây, hơn 2 ha vườn cây ăn trái với chủ lực là nhãn Edaw (hay con gọi là nhãn Ido, nhãn Edor hay nhãn Thái) của anh Trần Văn Khánh ở ấp An Lạc vẫn oằn trái, được trồng theo hình thức rải vụ nên cho thu hoạch hàng ngày. Anh Trần Văn Khánh chia sẻ, nhờ gia đình áp dụng việc tưới tiêu bằng hệ thống tiết kiệm nước nên vườn cây ăn trái của anh lúc nào cũng đảm bảo được đủ nước. Dù đang trong cao điểm hạn mặn, nhưng ngày nào anh Trần Văn Khánh cũng thu hoạch từ 70-100 kg nhãn Edaw, với giá trung bình từ 18.000 - 20.000 ngàn đồng/kg, nguồn thu nhập từ vườn nhãn của gia đình đã khẳng định được tính hiệu quả của anh khi quyết định chuyển đổi từ cây mía sang cây ăn trái.

Nhờ đầu tư hệ thống lót bạt trữ nước ngọt nên các vườn nhãn Edaw của nông dân huyện đảo Cù Lao Dung vẫn oằn trái. Ảnh Chanh Đa

    Cũng theo anh Khánh, từ sau Tết Nguyên đán, hạn mặn tại địa phương diễn ra gay gắt, không thể lấy nước ngọt vào tưới tiêu; trong khi các kênh mương tích trữ nước ngọt chỉ cầm cự được hơn 1 tháng. Nhưng nhờ gia đình có sự chủ động ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm từ hệ thống lấy nước ngầm và tích trữ nước ngọt trong hồ chứa, cho đến nay, tất cả diện tích đất trồng nhãn của gia đình đều không bị ảnh hưởng.

    Anh Trần Văn Khánh chia sẻ, trước đây bám trụ với cây mía nhưng “trầy trật” vô cùng, trúng mùa được giá thì ít mà lỗ thì càng lúc càng nhiều hơn, nên gia đình quyết định chuyển hẳn sang trồng cây ăn trái. Dù lúc đầu cũng rất khó khăn do tìm nguồn tiêu thụ, nhưng đến nay, nguồn hàng của anh được thương lái đến thu mua tận vườn.

    Còn ông Trần Văn Phục - xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung cho biết, ứng phó với hạn hán và mặn xâm nhập mùa khô năm nay, ông thực hiện thử nghiệm đào ao diện tích 1.000m2 để trữ nước ngọt, kết hợp với lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm nước cho 1 ha nhãn. Đến nay, hệ thống trữ ngọt, tưới tiết kiệm này đang phát huy hiệu quả tốt, giúp vườn nhãn của gia đình không bị khô hạn và đang cho hoa kết trái.

    Ông Trần Văn Phục cho biết: “Tôi ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để tiết kiệm tối đa trong sản xuất. Cùng với đó là việc thử nghiệm mô hình hồ chứa nước trong vườn cây ăn trái để khi mùa mưa có nguồn nước ngọt dồi dào thì mình đưa ngọt vào trữ, đến khi mùa khô tới và nước mặn bắt đầu xâm nhập thì đóng lại trữ ngọt, đảm bảo cho việc tưới tiêu vườn cây trong những tháng khô hạn”.

    Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 31.000 ha vườn cây ăn trái với các giống chủ yếu như nhãn, bưởi, vú sữa… tập trung tại các huyện: Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú,... Theo đánh giá thực tế của nhà vườn thì loại nhãn này có ưu điểm là trái to; cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt dịu, thơm ngon, vận chuyển xa ít hư hỏng. Đặc biệt, cây nhãn Edaw không bị bệnh chổi rồng, được thị trường ưa chuộng. Nhãn Edaw cho năng suất từ 17 - 18 tấn trái/ha đối với các cây từ 7 năm tuổi trở lên, khả năng cho năng suất từ 25 tấn/ha trở lên, có thể xử lý kéo dài thời gian thu hoạch của cây mà không ảnh hưởng đến chất lượng trái nên các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang rất chú trọng phát triển loại cây này; đặc biệt là việc thay thế trên các diện tích sản xuất kém hiệu quả, cho giá trị kinh tế thấp. Hiện tỉnh Sóc Trăng cũng đang chú trọng phát triển các vườn cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vùng trồng (code)… để hướng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc…

Nhà vườn Cù Lao Dung vững vàng vượt qua cao điểm mùa hạn mặn nhờ áp dụng hệ thống tưới phun nước tiết kiệm. Ảnh Chanh Đa

    Theo đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, so với đợt hạn mặn năm 2016 thì năm nay độ mặn tại địa phương cao hơn rất nhiều, hạn mặn diễn biến gay gắt hơn. Tuy vậy, nhờ sự chủ động trong công tác ứng phó nên mức độ thiệt hại là rất ít. Phần lớn là ảnh hưởng năng suất và sự sinh trưởng của cây trồng. Để tránh bị thiệt hại trong thời gian tới, huyện Cù Lao Dung đang khuyến cáo nông dân không tiếp tục xuống giống ở tất cả các loại cây trồng, do không thể chủ động được nguồn nước. Đối với thủy sản thì thả thăm dò. Đồng thời khai thác tốt mạch nước ngầm, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật công nghệ trong tưới tiêu để cứu cây trồng trong đợt hạn mặn này.

    Đồng chí Nguyễn Văn Đắc biết thêm, giải pháp về lâu dài thì hiện nay huyện cũng đang hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đặc biệt là thủy lợi nội đồng, rồi các kênh, cống khu sản xuất tập trung để từng bước tiến hành các mương, kênh trữ nước ngọt phục vụ khu sản xuất tập trung quy mô vài chục ha, kết hợp với hệ thống khép kín thì chúng ta có thể đảm bảo sẽ giữ được nguồn nước ngọt với hệ thống cống mà chúng ta điều tiết.

    Có thể nói, nhờ sự chủ động chuyển đổi trong sản xuất, kết hợp với những giải pháp kỹ thuật, ứng dụng tốt các khoa học công nghệ, đã giúp nhiều hộ dân tại xứ cù lao “mía” ngày nào vượt qua đợt hạn hán và mặn xâm nhập gay gắt của mùa khô năm nay; đồng thời, mở ra thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình khi cây mía giờ đây đã không còn “ngọt” với người dân xứ Cù Lao Dung.
Chanh Đa


Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 116
  • Hôm nay: 7978
  • Trong tuần: 75,298
  • Tất cả: 11,859,487